Anh ta vào trại trước
mình khá lâu, bị trừng phạt vì tội gì mình không rõ. Người ta bảo anh ta phạm
tôi hình sự, người lại bảo mắc tội chính trị. Nhưng cả hai tội mình đều thấy
khó tin. Anh ta không có dáng dấp của kẻ cướp bóc, sát nhân, và cũng không có
phong độ của người làm chính trị. Bộ dạng anh ta ngu ngơ, dở dại, dở khùng.
Mình có cảm giác anh ta là một khúc củi rều, do một trận lũ cuốn từ một xó rừng
nào về, trôi ngang qua trại, bị vướng vào hàng rào của trại rồi mắc kẹt luôn ở
đó. Nhìn anh ta rất khó đoán tuổi, có thể ba mươi mà cũng có thể năm mươi.
Gương mặt anh ta gầy chắt, rúm ró, tàn tạ như một cái bị cói rách, lăn lộn ở
các đống rác…(..) Nhưng không hiểu sao, ở con người anh ta có một cái gì đó làm
mình đặc biệt chú ý, cứ muốn làm quen..Nhiều lần, mình định bắt chuyện, nhưng
anh ta nhìn mình với ánh mắt rất lạ, rồi lảng tránh sau khi đã cúi chào cung
kính. Hầu như tất cả các trại viên, kể cả những tay hung dữ nhất, củng đều
thương anh ta. Những
trại viên được gia đình tiếp tế người để dành cho anh ta viên kẹo, miếng bánh,
người cho điếu thuốc.
Ở trại, anh ta có một
đặc quyền không ai tranh được, và cũng không ai muốn tranh. Đó là khâm liệm tù
chết. Mỗi lần có tù chết, giám thị đều cho gọi Thằng Khùng, tên họ đặt cho anh ta
và giao cho việc khâm liệm. Với bất cứ trại viên chết nào, kể cả những trại
viên từng đánh đập anh ta, anh ta đều khâm liệm chu đáo giống nhau. Anh ta nấu
nước lá rừng, tắm rửa cho người chết, kỳ cọ ghét trên cái cơ thể lạnh ngắt cứng
queo, với hai bàn tay của người mẹ tắm rửa cho đứa con nhỏ.
Anh ta khóc đau đớn và
thống thiết đến nỗi mọi người đều có cảm giác người nằm trong áo quan là anh em
máu mủ ruột thịt của anh ta.
Và với bất cứ người tù nào anh ta cũng khóc như vậy. Một lần
giám thị trại gọi anh ta lên:
- Thằng tù chết ấy là
cái gì với mày mà mày khóc như cha chết vậy?
Anh ta chắp tay khúm
núm thưa:
-Thưa cán bộ, tôi khóc
vờ ấy mà. Người chết mà không có tiếng khóc tỗng tiễn thì vong hồn cứ luẩn quẩn
trong trại. Có thể, nó tìm cách làm hại cán bộ. Lúc hắn còn sống, cán bộ có thể
trừng trị hắn, nhưng đây là vong hồn hắn, cán bộ muốn xích cổ, cũng không xích
được,
Thằng khùng nói có lý.
Giám thị trại mặc cho nó muốn khóc bao nhiêu thì khóc.
Con người này là ai vậy? Một thằng khùng hay người có
mối từ tâm lớn lao của bậc đại hiền?
Thế rồi một lần, mình và anh ta cùng lùa trâu xuống
con sông gần trại cho dầm nước. Trời nóng như dội lửa. Anh ta và mình phải ngồi
trú nắng dưới gốc cây mủng, canh đàn trâu ngụp lặn dưới sông.. Anh ta bỗng lên
tiếng trước, hỏi mà đầu không quay lại:
-Anh Tuân này- Không rõ anh ta biết tên mình lúc nào-
sống ở đây anh thèm cái gì nhất?
-Thèm được đọc sách-mình buột miệng trả lời và chợt
nghĩ, có lẽ anh ta chưa thấy một cuốn sách bao giờ, có thể anh ta cũng không
biết đọc biết viết cũng nên.
-Nếu bây giờ có sách thì anh thích đọc ai? Anh ta hỏi.
-Voltaire! Một lần nữa mình lại buột miệng. Và lại
nghĩ : Nói với anh ta về Voltaire thì cũng chẳng khác gì nói với gốc cây
mủng mà mình đang ngồi dựa lưng..Anh ta ngồi bó gối, mắt không rời mặt sông lóa
nắng, hỏi lại :
-Trong các tác phẩm của Voltaire, anh thích nhất tác
phẩm nào?
Mình sửng sốt, nhìn anh ta, và tự nhiên trong đầu nảy
ra một ý nghĩ kỳ lạ : một người nào khác đã ngồi thay vào chỗ anh ta.
Mình trả lời anh ta :
-Tôi thích nhất là Candide.
-Anh có thích đọc Candide ngay bây giờ không?
Không đợi mình trả lời, anh nói tiếp :
-Không phải đọc mà nghe.. Tôi sẽ đọc cho anh nghe ngay
bây giờ.
Rồi anh ta cất giọng đều đều đọc nguyên bản Candide.
Anh đọc chậm rãi, phát âm chuẩn và hay như mấy cha cố người Pháp, thầy dạy mình
ở trường Providence. Mình nhìn trân trân nhìn cái miệng rúm ró, răng vàng khè
đầy bựa của anh ta như nhìn phép lạ. Còn anh ta, mắt vẫn không rời dòng sông
lóa nắng, tưởng chừng như anh ta đang đọc thiên truyện Candide nguyên bản được
chép trên mặt sông…
Nguyễn văn Lục.
Những nạn nhân của cộng sản nêu trên gồm các
linh mục ưu tú của Giáo phận Hà Nội mà hầu hết đã qua đời và không còn có dịp
gì để nói nữa. Và không biết bao nhiêu những người giáo dân vô danh, vô tội đã
chết một cách oan ức trong các nhà tù của Cộng Sản ở ngoài Bắc như các ông
Trùm, ông Quản bị đưa lên Trại Cổng Trời. Trong cái tinh thần đó, tôi nghĩ rằng
có những lúc trong đời sống, có những thời kỳ oan nghiệt mà im lặng trở thành
một điều tội lỗi, đáng xấu hổ. Và lên tiếng trở thành một bó buộc đạo đức
{Obligation morale}.
Một bó buộc tinh thần hay một thách thức, một
thử thách? Đó là sức mạnh của lương tri. Đó là sức mạnh của tư tưởng.
Trong trường hợp này, tôi muốn cất lên tiếng
nói cho những người phải làm thinh. Đất nước này còn cần biết bao tiếng nói cất
lên cho những người vì cách này cách kia đã phải làm thinh như thế.