Sunday, February 3, 2013

bữa tiệc cuối cùng của BXP- BTP

Mới tìm thấy bức ảnh cưới ngày nào và mình đăng cùng với câu chuyện về nó mà mình đã kể và đăng trên Fb rồi, bạn nào chưa xem thì xem chơi, và mình cũng đưa vô đây làm tư liệu để dễ tìm:
Sau lần chia tay người vợ đầu, năm 1987, tôi muốn tục huyền. Ban đầu, Bùi Xuân Phái đã phản đối, ông bảo với tôi: « Mày sẽ lại li dị, và thế là lại khổ con nhà người ta”. Nhưng khi tôi giải thích với ông là, người bạn gái ấy sắp đem lại cho ông một đứa cháu nội đầu tiên và thế là Bùi Xuân Phái gật đầu chấp nhận. Sau đó tôi đề nghị với gia đình chỉ tổ chức tiệc cưới giản dị, để tránh dềnh dang, sẽ không thuê xe ô tô rước dâu. Ngày đó tôi đã dùng xe máy Baberta (loại xe máy của Tiệp Khắc, bây giờ loại xe này, chỉ được những người nghèo sử dụng để chở vật liệu xây dựng, nhưng gần đây, nghe nói, nó đã bị cấm lưu hành vĩnh viễn trong thành phố. Nhưng ở thập niên 80, ai sở hữu được chiếc Baberta đều được xem là thành đạt hay một cố gắng lớn.Tuy vậy, ngay thời đó, loại xe máy này cũng được gọi với cái tên khác là Ba bét nhè). Hôm đó một mình một xe và cũng chỉ một mình tôi, với một bó hoa to tướng, đến nhà cô dâu để đón nàng. Họ hàng bên nhà cô dâu thấy vậy tỏ ý thương cảm và nhỏ to rằng: “Nếu đã lấy phải anh chồng có chất nghệ sĩ thì đành phải chấp nhận như vậy thôi”. Nhưng đến ngày hôm nay, mỗi khi nhớ lại, vợ chồng tôi vẫn tự hào và cười mãi vì có nhiều kỷ niệm trong ngày hôm đó. Chúng tôi đã xem đó là một đám cưới giản dị, cảm động và có ý nghĩa.
Sở dĩ nó trở thành câu chuyện đáng để kể là bởi nhờ vào những tấm thiếp mời dự đám cưới do chính tay Bùi Xuân Phái vẽ từng bức một. Ông đã chiều lời đề nghị của con mà vẽ 50 bức tranh nhỏ. Bức họa mô tả cô dâu ôm bó hoa trên tay, 50 bức đều là độc bản vì khác nhau, bởi ở mỗi bức, cô dâu lại được diện trong bộ áo dài khác.
Ngày đó tôi cũng chỉ được 12 tấm để dùng mời bạn bè. Bùi Xuân Phái cũng tự vẽ cho mình 12 tấm để ông mời các bạn. Số còn lại là khách mời của hai họ. Bữa tiệc được thực hiện tại nhà hàng Phú Gia, hôm ấy tôi bố trí, kê một chiếc bàn đủ 12 chiếc ghế để dành cho Bùi Xuân Phái với bạn hữu. Nhưng vì ông Bổng Hàng Buồm muốn có 2 tấm thiệp mời, nên đã rủ thêm nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đến dự. Và chiếc bàn ấy phải kiếm thêm chiếc ghế thứ 13. Tôi cứ ân hận và tiếc mãi là, sao khi đó mình không đạo diễn cho người chụp khung cảnh Bùi Xuân Phái đang say sưa trò chuyện và chén tạc chén thù với bạn hữu, ngồi xung quanh ông ở chiếc bàn dài ấy. Bùi Xuân Phái vốn được các bạn mệnh danh là Jésus do bộ râu và khuôn mặt gầy guộc, nên hình ảnh ấy sao tôi thấy nó quá giống bức tranh nổi tiếng Bữa tiệc cuối cùng của Leonardo da Vinci.
Câu chuyện này đã được đăng trên một tạp chí ở nước ngoài và được đổi tên là Thiệp cưới vẽ tay cho con trai của Bùi Xuân Phái, người biên tập đã đầy thiện ý khi đặt lại tiêu đề, một phần vì trong lần kể đó, tôi đã không nói rõ là chỉ sau bữa tiệc đó 8 tháng, Bùi Xuân Phái đã đột ngột qua đời do ác bệnh ung thư phổi. Nguyên nhân, vì ông đã hút quá nhiều thuốc lá và thuốc lào. Vì thế, bữa tiệc cưới ngày hôm đó là bữa tiệc cuối cùng mà Bùi Xuân Phái có cơ hội mời bạn hữu tham dự. Sau khi Bùi Xuân Phái mất, người ta đã truyền tay nhau tấm thiệp cưới này, ban đầu nó chỉ có giá từ 100-200 USD, nhưng ở vào thời điểm hiện tại, giá bán tấm thiếp cưới vẽ tay của Bùi Xuân Phái trên một website đấu giá của ngoại quốc, người ta đã đẩy lên cao ngất trời mây. Khi xưa, những người nhận được tấm thiệp mời này, không một ai dám nghĩ rằng có một ngày, giá trị của nó lên tới 4.700 USD.








32 tuổi

Khi Bùi Xuân Phái đến tuổi nghỉ hưu vào năm 1982, theo tiêu chuẩn của một họa sĩ thuộc biên chế Nhà nước trước khi về nghỉ hưu vào thời đó là được hưởng một chuyến đi thăm nước Đức 2 tuần. Nước Đức là nước đầu tiên và cũng là duy nhất trong toàn bộ cuộc đời Bùi Xuân Phái có được một chuyến xuất ngoại. 
Trong chuyến đi vào năm đó, Bùi Xuân Phái đi cùng với nữ họa sĩ Đặng Thị Khuê, và họa sĩ Phạm Công Thành, vậy là đoàn có 3 người. Trước lúc Bùi Xuân Phái lên đường, cả nhà mình háo hức và các bạn hữu của ông cũng kéo đến chia vui, ồn ĩ suốt mấy ngày cho đến ngày ông ra phi trường. Hôm có bà hàng xóm biết chuyện Bùi Xuân Phái sắp đi Đức, đất nước của chiếc xe đạp Mifa nổi tiếng, bà này bèn chạy sang để mách những kinh nghiệm của những người đi Đức vẫn hay làm, thời đó người ta sang Đức vẫn thường mang theo quần jean để bán cho dân Đức để có lời sau đó dùng tiền đó để mua xe đạp đem về bán lại. Bà hàng xóm tỏ ra thông thạo, cho biết, theo tiêu chuẩn mỗi người chỉ được đem theo 2 chiếc quần jean đi Đức thôi, nhưng có một cách có thể đem đươc số lượng gấp đôi mà vẫn không phạm luật. Mẹ mình hỏi bằng cách nào thì bà này tỏ ra rất bí mật, thì thào với mẹ:"Bà bảo ông nhà chịu khó mặc cùng một lúc 2 chiếc quần jean, còn 2 chiếc kia theo tiêu chuẩn thì cho vào va li" Mẹ mình nghe vậy cũng thấy hay hay, đợi khi bà hàng xóm về, mẹ mới trình bầy câu chuyện quần jean với Bùi Xuân Phái. Mình nhớ mãi đôi mắt của Bùi Xuân Phái, mở to ngơ ngác trước sự lạ lùng, điều này hoàn toàn xa lạ đối với ông, bởi vì ai cũng biết, trong toàn bộ cuộc đời ông chỉ có nghệ thuật mới là sự say mê thần thánh. Sau đó ông lắc đầu nói dỗi:
- Nếu bà mặc được cùng một lúc 2 chiếc quần bò thì tôi nhường cho bà đi Đức. Tôi ở nhà, không đi nữa.
Bà nghe ông nói vậy cũng sợ ông dỗi thật mà hỏng việc nên vội nói đỡ:
- Thì người ta mách nước cho mình biết thế, nếu mình thuận thì theo không thì thôi chứ có ai ép mình đâu.
Chuyến đi Đức lần đó, Bùi Xuân Phái chỉ đem theo một chiếc túi nhỏ chứa đựng vật dụng cá nhân, và đặc biệt ông đem theo một thứ mà với ông nó không thể thiếu, đó là chiếc điếu cầy. Chiếc điếu cầy này cũng gây cho ông nhiều phiền toái khi ở Đức vì ông luôn phải giải thích với các bạn Đức rằng đấy là thuốc lào chứ không phải là cần sa.
Sau 2 tuần, Bùi Xuân Phái trở về nhà. Việc đầu tiên là ông gieo mình vào chiếc ghế sô pha, ông nói:
-Có đi mới thấy không đâu thoải mái bằng ở nhà mình!
Mẹ và tụi mình cũng bắt đầu ra mở túi hành lý của ông, ngoài những vật dụng mà ông đã mang đi nay chúng lại được mang về, mình còn thấy có thêm: một chiếc đồng hồ để bàn, 2 ống sơn trắng của Đức, và vài cuốn sách hội họa của Picasso (mấy cuốn sách này mình vẫn còn giữ đến ngày nay) Xem đồ xong, mẹ quay ra an ủi ông:
-Ông được chuyến đi, biết đó biết đây và đã trở về trong an lành, thế là cả nhà mừng lắm rồi.

Ghi chú ảnh: Vợ chồng Bùi Xuân Phái. Đây là bức ảnh cuối cùng chụp Bùi Xuân Phái (1988) Bức ảnh chụp bởi một Việt kiều tình cờ đến thăm vào lúc Bùi Xuân Phái đã ốm nặng và ông qua đời vài ngày sau đó.


c trưng trong phong cách thể hiện của Bùi Xuân Phái ở thể loại sơn dầu là ông luôn vẽ bằng dao (couteau) sau đó sẽ được ông xử lý thêm qua bút lông. Việc Bùi Xuân Phái dùng dao vẽ mỗi ngày nên cũng không tránh được chuyện không may cho ông. Có lần đang cao hứng với đường dao bay đi bay lại trên tấm toan và đã va chạm vào tay ông. Khi máu bắt đầu chảy, ông vội lấy chiếc ly mà ông vẫn dùng uống rượu để hứng máu. Người nhà trông thấy thế vội kêu lên và xúm vào băng bó vết thương cho ông. Lúc bấy giờ Bùi Xuân Phái mới giải thích để trấn an mọi người:"Mình chỉ cần đủ lượng màu cần thiết để vẽ con gà thôi mà"
Vài ngày sau đó, các bạn ông đến nhà chơi và thấy bức tranh con gà được ông vẽ bằng máu, họ ngạc nhiên khi thấy bức tranh con gà có hòa sắc hiếm thấy ở những tác phẩm của ông. Bùi Xuân Phái bèn kể lại chuyện mình bị đứt tay và số lượng máu đã được hứng trong chiếc ly rượu đã được dùng bằng hết để vẽ bức tranh đó. Các bạn ông trầm trồ thán phục, có người đưa ra ý kiến: " Ông ngây thơ và hồn nhiên quá đi, sao ông không chớp lấy cơ hội này để vẽ lãnh tụ có phải ông đã có khả năng làm biến đổi cuộc đời của ông không? Có phải ông sẽ có khả năng biến ước mơ một chuyến đi Pháp để thăm Bảo tàng Louvre thành hiện thực không?" Mọi người nghe vậy cười ồ và chờ đợi phản ứng của ông về điều này. Bùi Xuân Phái lúc đầu cũng ngơ ngác vì bất ngờ trước ý kiến đó, sau ông cũng lắc đầu và cười hiền lành
Ảnh: Bùi Xuân Phái với bức tranh vẽ con gà (bức này được vẽ vào năm 1981)

No comments: