Bùi Xuân Phái được tiếng là vẽ rất nhiều chân dung bạn bè, người thân, đồng nghiệp, và người mến mộ tranh của ông. Thần thái của nhà văn Nguyễn Tuân, nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu, nhà văn- nhà biên kịch Lưu Quang Vũ, họa sỹ Nguyễn Sáng, nhà giáo Vũ Đình Liên, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn Ở mỗi bức chân dung của ông, người ta nhận thấy bức họa được vẽ nên bởi nét bút của bậc thầy, sắc sảo, tinh tế, dường như hiểu thấu tâm hồn hoặc tâm địa sâu kín, phơi bày tính cách của từng con người, từ một bác nông dân mù chữ, một cô gái dân quân mập mạp, một bà bán rau toét mắt bên hè phố, một ông sưu tập tranh, một nhà văn. Ở những bức chân dung ấy, người xem không cần phải xem tựa đề tên bức tranh cũng đã có thể nhận ra tên tuổi từng nhân vật ông đã miêu tả
Có một người được ông vẽ nhiều chân dung nhất, ông này thường đến chơi họa sĩ mỗi ngày, từ thủa Phái còn sống chật vật trong cảnh hàn vi từ hồi thập niên 60,70, đó là nhà sưu tập Nguyễn Bá Đạm, nhà sưu tập này đã được Bùi Xuân Phái vẽ hơn 200 bức chân dung, với đủ các chất liệu (số liệu này do ông giáo Đạm cung cấp) ngoài ra, đặc biệt và ấn tượng nhất là ông giáo Đạm còn có một bộ tranh chân dung vẽ ông Đạm do Bùi Xuân Phái vẽ trên vỏ...bao diêm. Những bức chân dung nhỏ xíu, có thể nói đó là bộ tranh chân dung nhỏ nhất Việt Nam, gồm 12 bức, được vẽ trên 12 bao diêm.
Nhớ lại, tôi thấy cụ giáo Đạm là người gần gũi và hiểu rõ cái tài cái tình của Phái, và cách ứng xử của ông giáo Đạm với BXPhái là đúng mực nhất so với tất cả các nhà sưu tập thời đó. Thời đó cụ Đạm cũng là một nhân vật lạ lùng, cụ vốn là một nhà giáo về môn sử học, với vẻ mực thước và mô phạm, vậy mà cụ kết bạn được với mấy ông hàn sĩ thủa đó, kể cũng lạ. Cụ Đạm nói ít nhưng hay cười hiền lành, cá tính của cụ cũng điềm đạm như chính cái tên của cụ vậy. Cụ giáo Đạm hay đến nhà chơi, nên tiện thể Bùi Xuân Phái dùng luôn cụ Đạm làm người mẫu để vẽ.Thỉnh thoảng cụ giáo Đạm nhìn thấy bức nào hay hay là ngỏ lời xin luôn vì cả Bùi Xuân Phái lẫn cụ giáo Đạm dường như cũng có thỏa thuận ngầm, họ xem đó là cách mà họa sĩ phải trả công cho những lần cụ Đạm đến ngồi chơi trò chuyện, vừa bổ túc thêm kiến thức về hội họa từ người bạn họa sĩ, vừa làm người mẫu cho họa sĩ vẽ.
Xét về mối tương quan tinh thần và vị thế của hai người thì thấy có độ vênh khá lớn về quan niệm nghệ thuật, vì thế tôi không thấy Bùi Xuân Phái và cụ Đạm nổ ra một cuộc tranh luận nào về nghệ thuật bao giờ, họ đến với nhau bằng cái tình cùng sự cảm thông và thấu hiểu.
Có lần vào năm 1964, mẹ tôi nói với Bùi Xuân Phái cố gắng gặp bạn của ông thử xem khả dĩ có thể vay được một số tiền nhằm vào dự định làm cái gác xép để ông có thêm diện tích làm xưởng vẽ. Bùi Xuân Phái đã đến gặp ông Lâm cà phê, ông Lâm lắc đầu, vỗ đùi đét một cái " Tiếc quá, giá mà ông đến gặp tôi từ hôm qua, vừa có thằng cháu dưới quê lên, tôi còn ít tiền, nó hỏi mượn hết cả" Sau Bùi Xuân Phái tìm đến cụ giáo Đạm, vợ chồng cụ giáo Đạm vui vẻ giúp cho mượn ngay lại còn cho người nhà đưa Bùi Xuân Phái về tận nhà. Đây cũng là lần duy nhất mà tôi biết BXPhái vì chiều theo ý vợ mà chịu đựng một nỗi khổ tâm đầy mặc cảm, ông đã phải mượn tiền của bạn, điều này thực sự là một đòn đánh nặng vào tâm hồn vốn đã rất nhậy cảm và tự trọng của người nghệ sĩ. Với số tiền vay của cụ Đạm, gia đình đã làm được cho BXPhái căn gác xép, từ đó, BXPhái chính thức có xưởng vẽ riêng của mình, cho dù nó rất thiếu ánh sáng và chật, chỉ với diện tích 8 thước vuông. Nhà thơ Vũ Đình Liên cũng có làm bài thơ mô tả vể căn gác này, vì các ông nhà thơ thời đó nếu có thơ ra thì cũng chỉ đọc miệng cho nhau nghe, nên không còn ai nhớ đủ cả bài thơ ấy :
Gác treo tám thước nhà anh Phái
Một tiếng thơ ngâm sóng gió đầy...
Khi đã trả được món nợ cho cụ Đạm, nhiều chục năm sau, Bùi Xuân Phái vẫn còn đem câu chuyện đó ra kể lại và coi đó như một ân huệ, một nợ nần về tình nghĩa phải trả, có thể vì thế mà Bùi Xuân Phái đã có nguyên do để vẽ cụ giáo Nguyễn Bá Đạm nhiều như thế.Tuy nhiên có một thực tế là, ban đầu những nhà sưu tập chỉ muốn có vài ba bức tranh đẹp của họa sĩ để treo chơi, nhưng dần dần, đặc biệt là với tranh BXPhái, nó giống như chất heroin gây nghiện, nếu người ta đã có vài bức đẹp treo ở nhà rồi, thì mỗi lần lại thăm xưởng vẽ của họa sĩ, khi gặp thấy những bức đẹp hơn, bằng mọi giá, người ta lại muốn có thêm, và về sau, muốn có những bức tranh tầm cỡ, có kích thước lớn, cụ giáo Đạm phải đặt vẽ, hoặc mua, chứ không thể xin không được. Có thể nói, cụ giáo Đạm nhập cuộc chơi sưu tập tranh, và có được một kiến thức hiểu biết sành sỏi về hội họa là bắt nguồn từ BXPhái.
Gần đây tôi có gặp lại cụ Đạm, vẫn dáng cao to, đôi mắt sáng, mũi gồ cao, cụ Đạm còn giữ nguyên vẻ quắc thước, thông tuệ, giống như những bức chân dung mà Bùi Xuân Phái vẽ ngày nào.Cụ giáo Đạm có giọng nói rủ rỉ nhẹ nhàng, khi gặp tôi, cụ ôn kể lại những câu chuyện về BXPhái, cụ giáo Đạm nhận xét " Tinh thần của Phái sâu kín nhưng vô cùng đằm thắm và hóm hỉnh, ẩn chứa bên trong cái vẻ giản dị của một con người với vóc dáng gầy gầy cao cao ấy là một mãnh lực sáng tạo ghê gớm, mãnh lực ấy mạnh mẽ đến độ đã biến cả hình ảnh những bức tường rêu phong thành châu báu! "
Những bức tranh Bùi Xuân Phái tặng cụ Đạm ngày nào bỗng trở thành một động lực quan trọng giúp cụ có thể tiếp nối thú chơi tao nhã là sưu tầm tiền cổ.Cụ Đạm say sưa mê mẩn sưu tầm những đồng tiền cổ đến nỗi trắng tay, cụ Đạm đã phải bán đi những bức chân dung tuyệt đẹp của BXPhái để bổ xung thêm những đồng tiền cổ có giá trị lớn trên trường quốc tế, giới sưu tầm đã xưng tụng cụ là "Kỳ nhân tiền cổ đất Hà thành". Ngày nay, rất tiếc bộ tranh chân dung cụ giáo Đạm do Bùi Xuân Phái vẽ đã tản mát khắp nơi trên thế giới. Cho dù cụ hay nói vớt, nói dỗi đi cho qua chuyện:“Thân giữ đã khó, nói chi đến đồ”. nhưng từ trong sâu thẳm, cụ giáo Đạm cũng thừa nhận, mình mới là người tiếc nuối nhất và chịu nhiều mất mát nhất khi đã để tuột khỏi tay từ rất sớm cả bộ tranh Chân dung ông giáo Đạm do danh họa Bùi Xuân Phái vẽ tặng.
No comments:
Post a Comment