Thursday, September 5, 2013

Tranh Cẩm Vinh- BXP




Khi vẽ chân dung thiếu nữ, những cô gái đã từng ngồi làm mẫu cho Bùi Xuân Phái, thường cảm thấy một buổi vẽ mẫu trôi qua nhanh và ấm áp tình thân thiện giữa họa sĩ và người mẫu. Bởi vì trong lúc vẽ, người mẫu thường cùng họa sĩ trò chuyện. Cách vẽ của ông chủ yếu là dựa trên những đặc điểm chính của mẫu và sau đó được miêu tả lại theo cách riêng của ông. Vì thế nên ông không yêu cầu mẫu nhất thiết phải ngồi yên, tư thế ngồi được phép thoải mái và tha hồ hàn huyên, cười nói.
Kỷ niệm về một lần ngồi mẫu cho họa sĩ Bùi Xuân Phái, Cẩm Vinh nhớ mãi. Theo cô kể lại thì nó gần như một buổi học bổ túc về môn hội họa, nó giúp cô hiểu thêm một chút về loại hình nghệ thuật mà trước đó với cô, nó còn là xa lạ. Bùi Xuân Phái nói: “Mỗi lần đứng trước tấm toan trắng, tôi như đứng trước một cuộc phiêu lưu. Vì thế tôi không dám chắc là có thành công hay không. Trước khi vẽ, tôi vẫn thường mượn chút cay (rượu) để tự tin hơn và...liều hơn.”
Ngày nay, giới chuyên gia về tranh Phái, nhìn vào tranh ông có thể biết được là lượng “cồn” mà ông đã dùng trong lúc vẽ bức tranh đó là nhiều hay ít. Có vẻ như, Bùi Xuân Phái càng say vẽ càng bốc và càng đẹp.
Sau đó Bùi Xuân Phái hỏi Cẩm Vinh:
-Nếu được lựa chọn hai bức chân dung, bức thứ nhất giống nhưng không có nghệ thuật, và bức thứ hai, có nghệ thuật nhưng không giống. Cô sẽ chọn bức nào?
Ngập ngừng một chút, Cẩm Vinh nói:
-Cháu chọn bức thứ hai ạ.
Nghe vậy, Bùi Xuân Phái cười hiền lành, ông bảo:
-Sao cô không chọn bức thứ ba: vừa giống vừa có nghệ thuật. Cô có thể yêu cầu họa sĩ vẽ thêm một bức nữa đạt được những yêu cầu đó. Bởi vì một bức chân dung thành công là bức chân dung vừa giống vừa nghệ thuật.
Sau đó ông kể chuyện về một bức tranh biếm họa mà ông vừa được xem trên một tạp chí. Bức biếm họa miêu tả Picasso khi thấy Những cô nàng ở Avignon bỗng dưng bước ra khỏi bức tranh lập thể, tiến đến gần Picasso, tác giả của bức tranh nổi tiếng kia được phen sợ hết vía.
Nghe câu chuyện mọi người có mặt cùng cười vui. Bùi Xuân Phái nhận xét:
-Đôi khi trong nghệ thuật và cuộc sống có những điều kỳ cục và mâu thuẫn như thế “đẹp mà không đẹp. Không đẹp mà lại đẹp”.
Trong buổi chiều hôm đó, sau khi hoàn thành bức Chân dung Cẩm Vinh, Bùi Xuân Phái ký tên bên góc dưới bức tranh và tặng cho cô. Cẩm Vinh hân hoan vội mang ngay bức tranh về nhà cô trong khi nó vẫn còn đang ướt sơn. Nhưng chỉ nửa năm sau đó, Cẩm Vinh lại đem bức chân dung đó lại nhà Bùi Xuân Phái, bởi lúc này cô đã trở thành con dâu của ông. Bùi Xuân Phái khi thấy bức tranh được treo lên tường, ông cười, nói vui:
- Lần đầu tiên mình thấy có người đem tranh trả lại cho mình.
 — with Hùng TrầnLâm.

Chân dung bà BXP-BTP








Chân dung bà Phái_Tranh của Bùi Xuân Phái
Hôm Bùi Xuân Phái vẽ bức chân dung bà Phái này, bà bảo ông:
- Để tôi trang điểm và diện bộ mà tôi vừa ý nhất cho ông vẽ nhé.
Bà lấy chiếc khăn khoác của Natasha tặng mà bấy lâu vẫn chưa có dịp để thể hiện. Bức tranh được hoàn thành trong buổi chiều hôm đó. Bùi Xuân Phái hỏi bà:
-Bà xem đã vừa ý chưa để tôi ký tên nào? 
Bà Phái thích bức chân dung đó lắm, nhưng bà hiểu rằng, ông đã chiều mình mà vẽ khá là realist cho bà có thể thích và hiểu được. Bà vốn là người phụ nữ không quan tâm và cũng không hiểu nhiều lắm về nghệ thuật của ông, nên bà cho rằng, lần này, ông vẽ bà khác hẳn những bức trước đây vốn là những bức ông vẽ cho ông với quan niệm nghệ thuật của ông. Nghĩ vậy, bà Phái bảo ông:
-Tôi muốn lần sau ông vẽ tôi một bức khác theo đúng phong cách của ông. Tôi thích ông vẽ tôi một bức chân dung thật phá phách và tự do theo đúng chất của ông.
Bùi Xuân Phái gật đầu, hứa sẽ vẽ cho bà bức chân dung theo ý muốn của bà.
Nhưng lời hứa của ông với bà đã mãi mãi chỉ là lời hứa, bà đã không bao giờ có dịp để ngồi làm mẫu cho ông vẽ chân dung nữa. Bức chân dung mà bà nhận xét là hiền lành và realist lại là bức chân dung cuối cùng ông vẽ bà. Ngày tiễn đưa Bùi Xuân Phái về cõi vĩnh hằng, bà Phái lấy trong tủ ra bộ comple sang trọng nhất trong đời Bùi Xuân Phái, bộ comple này bà đi may cho ông khi bà hay tin: Nhà nước đã chấp thuận cho ông xuất ngoại theo lời mời của người Pháp. Bà muốn ông sang Pháp diện bộ đồ thật oách. Nhưng ông đã chưa có dịp được mặc bộ comple thật oách đó một lần nào. Trong lúc mặc bộ comple sang trọng đó cho ông, bà Phái mếu máo nói:
-Ông đã hứa vẽ cho tôi bức chân dung thật là bạt tê, phá phách, rồi đấy nhé! Ông vẫn còn nợ tôi một bức chân dung đó.
Và cứ thế, những giọt nước mắt của bà không ngừng rơi xuống khuôn mặt đã bất động của ông.